DI TÍCH TÍN NGƯỠNG TỨ VỊ THÁNH NƯƠNG
Thần được thờ ở Nghè các làng : Ngọc Lâm (Hoằng Trường); Trung Ngoại (Hoằng Hải); Xuân Vi (Hoằng Thanh); Khúc Phụ (Hoằng Phụ).
Sử chép rằng Trần Hưng Long thứ IX (1311) – có tài liệu nói năm Hưng Long (thứ XII), vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh Chiêm thành. Thuyền của ba quân đến của Càn Hải (thường gọi là Lạch Cờn ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An) dừng lại nghỉ ngơi. Đêm nhà vua mộng thấy thần nhân báo rằng: “Thiếp là cung phi nhà Tống, vì giặc bức bách, lênh đênh sóng gió trôi dạt đến đây, Thượng đế sắc phong làm thần biển đã lâu, nay xin giúp công thánh thượng để giếp giặc”. Tỉnh giấc nhớ lại, Trần Anh Tông liền cho đi mời các bô lão trong vùng đến để hỏi mới biết đó là phu nhân họ Triệu, Hoàng Hậu của nước Nam Tống.
Vào năm Thiệu Bảo thứ I (1274) bên Trung Hoa quân Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn. Quân Tống thua to, Tướng Trương Thế Kiệt, Trung thần của Nhà Tống đêm Đế Bích cùng Hoàng Tộc chạy ra biển, chẳng may bão nổi bị chết đuối hết.
Hoàng Hậu cùng 2 cô con gái, may sao bíu vào một mảnh ván. Sóng – gió đưa ba mẹ con dạt vào cửa Lạch Cờn, ở Quỳnh Lưu nay. Có người trông ngôi chùa gần đó đi dạo trên bờ cát ven viển thấy ba người đã thập tử nhất sinh, đưa vào chùa chăm sóc tử tế.
Được một thời gian ba mẹ con lại sức, trở lại béo tốt. Vẻ mặt Hoàng Hậu làm cho vị coi chùa động lòng trần tục, muốn tư thông. Hoàng hậu cự tuyệt, người coi chùa xấu hổ quá gieo mình từ chùa xuống biển tự tử.
Hay tin, Hoàng Hậu đau buồn, than rằng “Chúng ta nhờ người mà được sống, nay lại vì ta mà phải chết, sao nỡ sống đây!”. Nói rồi Hoàng Hậu cũng nhảy xuống biển chết. Mất mẹ, hai cô con gái khóc thảm thiết, nghĩ rằng bơ vơ nơi đất khách quê người, không cha mẹ, họ hàng, không nơi nương tựa. Buồn bã mấy ngày rồi cũng nhảy xuống biển chết theo.
Bốn người chết, thi thể nổi lên, một mùi thơm như lan quế toát ra, về sau rất linh thiêng. Dân xã lập đền thời làm thần, nhân đấy đặt tên xã mình là xã Hương Cần. Vì thờ 4 người bà con quanh vùng thường gọi là đên (Nghè) Tứ vị (có tài liệu kể khi ba mẹ con Hoàng Hậu giạt vào bờ thì đã chết rồi, nhan sắc vẫn như khi còn sống, nhưng như vậy không thể gọi là Đền Tứ Vị).
Đã rõ sự tích, Trần Anh Tông sai làm lễ kính tế. Ra đi, mặt biển yên lặng, Vua kéo quân thẳng đến Chà Bàn (thuộc tỉnh Bình Định bây giờ) thắng trận lớn.
Khi trở về nhà Vua hạ lệnh gia phong là “Quốc gia Nam Hải, Đại càn Thánh Nương” và cho sửa đền thờ khang trang, rộng rãi.
Năm Hồng Đức thứ X (1470) Vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm thành, thuyền qua cửa Cờn, vào đền Mật Bảo, khi ra đi được sóng êm biển lặng, kéo quân thẳng đến Chiêm thành và đại thắng.
Khi trở về đoàn quân qua cửa Cờn về đến Thanh Hóa chợt có gió Đông Bắc nổi lên; buồm; thuyền theo chiều gió quay lại, khi đến dưới Đền Tứ Vị thì hết gió Đông Bắc. Nhà Vua bèn hạ lệnh thăng phẩm trật cho thần và dựng thêm đền miếu. Chỗ quay thuyền lại gọi là xã Hồi Châu. Nay trong cả Nước có nhiều đền thờ Tứ Vị Thánh nương, nhưng ở Đền Cờn mới là nơi thờ chính.
Đền thờ Tứ Vị Thánh nương ở núi Linh Trường phải được xây sau khi Lê Thánh Tông đánh Chiêm thành trở về (tức sau 1470) còn hai chữ Tiên Châu khắc trên núi theo Phan Huy Chú là Trịnh Sâm sai khắc. Nay chữ chưa tìm thấy nhưng nhiều người cho rằng đây mới là nơi đoàn quân Vua Lê Thánh Tông gặp gió Đông Bắc quay trở lại cửa Cờn và chữ trên núi là “Hồi Châu” chứ không phải “Tiên Châu”. Chúng ta còn phải nghiên cứu để xác định cho rõ.